Tại siêu thị, dù đã bỏ một số tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần so với giá chợ song chưa chắc người tiêu dùng đã mua được hàng chất lượng như mình mong muốn, khi cái mác “hàng sạch, hàng đảm bảo” chỉ là một cách ngụy trang để những sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ.
Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn đang là nỗi lo của các bà nội trợ, nhiều người có kinh tế đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn ở các chợ cóc, chợ tạm.
Nhưng thực tế cho thấy, dù đã bỏ một số tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần so với giá chợ song chưa chắc người tiêu dùng đã mua được hàng chất lượng như mình mong muốn, khi cái mác “hàng sạch, hàng đảm bảo” chỉ là một cách ngụy trang để những sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ.
Thói quen đi siêu thị mua hàng của các bà nội trợ bắt đầu từ mong muốn tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Các siêu thị với đủ chiêu thức khuyến mại, giảm giá, tặng quà đã thu hút được một lượng khách hàng cực lớn vào hầu hết các ngày trong tuần. Mặt khác, các siêu thị lại mọc lên tại các khu chung cư cao cấp, nên ít ra đã phục vụ được hàng nghìn hộ gia đình tiêu thụ hàng hóa cho mình. Tuy nhiên, hàng hóa đưa vào các siêu thị đã thực sự được kiểm định gắt gao hay chưa, đúng với cái “mác” an toàn thực phẩm mà họ đóng gói trên các tem nhãn hay chưa… thì chỉ có những người… cung cấp hàng mới biết.
Còn nhớ năm ngoái, khi đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã phát hiện một số siêu thị có bán “rau an toàn” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cụ thể là một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH Sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) với cái mác “rau an toàn” để bán cho người tiêu dùng với giá cao. Nhưng trên thực tế, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này được mua ở chợ Vân Trì và một số nguồn trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, dán tem giả và trong phút chốc trở thành rau an toàn.
Đại diện phía nhà cung cấp còn tiết lộ, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, họ còn nhập cả hàng Trung Quốc về, và vẫn với quy trình đóng gói, gắn tem, số rau này đã trở thành “rau an toàn” có xuất xứ tại Việt Nam.
Sau vụ việc này, người nông dân tại làng rau an toàn ở Đông Anh cũng đã bị phản ánh là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, thuốc kích thích sinh trưởng nên các loại rau chỉ vài ba ngày là có thể thu hoạch rồi cung cấp cho các đại lý rau an toàn. Điều đáng lo ngại là các loại thuốc bảo vệ thực vật được người nông dân ở đây dùng là loại có độc tố cao, vạch màu vàng như Marshal, Peran, Cóc chúa… để diệt sâu, bọ nhảy nhanh và hiệu quả hơn so với các loại khác, nhưng họ hoàn toàn không quan tâm đến việc những loại thuốc đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thế nào.
Trong khi đó, để cung cấp số lượng rau được gọi là an toàn cho cả địa bàn Hà Nội, thì người nông dân không thể nào chờ đợi cho đủ ngày tháng an toàn theo quy định để thu hoạch. Còn người tiêu dùng vì tin vào cái mác chất lượng “rau an toàn” bán trong các siêu thị, cửa hàng rau sạch nên không những bị “móc túi” một cách trắng trợn mà còn không tránh nổi sự độc hại cho chính gia đình mình.
Chị Vũ Thị Thu Hường, Giám đốc Siêu thị Hoàng Cầu (Hoàng Cầu, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, siêu thị chúng tôi dự tính sẽ có quầy rau sạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng quen thuộc. Chúng tôi cũng đã có một số đầu mối đến chào hàng và đích thân tôi đã đến một số địa điểm trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội để khảo sát quy trình trồng rau, đóng gói của nông dân ở đây. Song cùng thời điểm ấy, có một số thông tin về nguồn rau bị lấy từ các chợ cóc, từ người bán rong, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác rau sạch để tuồn vào các siêu thị, cửa hàng rau sạch đã khiến tôi phải suy nghĩ lại.
Việc báo chí phản ánh hoàn toàn có thật, bởi vì trên thực tế, mình không thể ngày nào cũng đi kiểm tra xem có đúng loại rau mình đặt hàng không, có phải đúng xuất xứ ở nơi vùng rau an toàn không, và việc người tiêu dùng bị đánh lừa cũng là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì theo tôi, tờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, cái đủ là tùy thuộc vào lương tâm của người trồng rau, bán rau. Bởi vì suy nghĩ ấy, nên tôi quyết định không bán rau an toàn để không ảnh hưởng đến uy tín của siêu thị và cũng là không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Anh Nguyễn Trung, một chủ cửa hàng rau an toàn ở khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu nói rau sạch thì hoàn toàn không có rau sạch đâu. Nếu có rau an toàn thì phải chính thức mình đến tận các cơ sở quen biết để lấy rau mới đảm bảo có rau an toàn được. Còn nếu cứ có số điện thoại để gọi đặt hàng mang đến thì đảm bảo là có sự trà trộn của rau trôi nổi. Người tiêu dùng thì cũng chỉ biết dùng, chứ không có cách nào để xác minh là rau sạch hay không. Một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì không phải là quá khó để các cơ sở rau an toàn tìm được.
Trước đây, tôi từng làm việc tại một hệ thống siêu thị khá nổi tiếng ở Hà Nội, tôi biết chắc rằng, người nhận hàng chỉ biết nhận hàng, chứ ít khi họ kiểm tra nguồn rau cũng như bất cứ nguồn thực phẩm nào khác có thực sự như đã cam kết hay không. Cuối cùng, người thiệt nhất chỉ là khách hàng, trả tiền cao nhưng bù lại, nhận được một thứ không khác gì ngoài chợ cóc hoặc của các bác gánh hàng rong”.
Chị Ngô Thị Hải, nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, khách hàng thường xuyên của Siêu thị Big C chia sẻ: “Trước đây hàng tuần tôi đều có mặt ở siêu thị mua đồ về dùng cho cả tuần, nhưng gần đây có nhiều thông tin về thực phẩm “bẩn” tuồn vào siêu thị nên tôi cũng ít mua đồ thực phẩm, mà chủ yếu đi ngắm nghía đồ tiêu dùng. Thực sự là bây giờ, khách hàng không biết bấu víu vào đâu để có niềm tin khi các loại thực phẩm mình mua về dù dán tem mác an toàn, hạn sử dụng này nọ đàng hoàng nhưng đều không đạt được chất lượng như đã cam kết. Tôi đọc trên báo thấy hàng loạt các loại thịt lợn, thịt gà không rõ nguồn gốc, thải loại được đưa vào siêu thị, bởi vậy mà giá thịt lợn, đặc biệt thịt gà ở siêu thị nhiều chi phí nhưng luôn rẻ hơn ở chợ cóc. Bởi vậy bây giờ tôi cũng ít mua những thực phẩm có sẵn ở siêu thị, mua gà thì ra chợ cóc mua gà sống nhìn thấy rõ mười mươi về ăn cho yên tâm”.
Có nhiều khách hàng khi mua phải hàng… kém chất lượng ở siêu thị cũng đã phản ánh với báo chí hoặc trên các trang thông tin cá nhân của mình về các loại thực phẩm ở siêu thị như bánh bao mốc dù chưa hết hạn sử dụng, táo, xoài thối, hoa quả hỏng được đóng gói sẵn với giá rẻ… Còn nhớ, cách đây không lâu, một siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã dính vụ bê bối bán thực phẩm kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Sản phẩm nho xanh được bán tại đây được quảng cáo là có xuất xứ từ Ninh Thuận nhưng đồng thời được dán cờ nước ngoài.
Đại diện siêu thị “cãi chày cãi cối”, cho rằng đó là sự nhầm lẫn của người dán nhãn mác (nhãn quốc kỳ trên sản phẩm được coi như bằng chứng về xuất xứ của sản phẩm đó) và nho xanh đích thị được nhập từ một công ty ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã xác minh, số nho này được siêu thị mua ở… chợ đầu mối Long Biên và siêu thị nói trên đã bị xử phạt 35 triệu đồng.
Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hằng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Trên thực tế, các hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải sẽ ngay tức khắc phát bệnh mà nó đang ngấm ngầm hình thành trong cơ thể con người, hủy hoại nhiều thế hệ. Dù bạn có là người tiêu dùng thông thái hay là người có kiến thức uyên thâm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng khó có thể biết mình đang đứng ở chỗ nào trong ma trận thực phẩm “bẩn” len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Chỉ biết cầu mong vào lòng “hảo tâm” và lương tri của người làm ra nguồn thực phẩm ấy. Mà họ, thì biết ở đâu mà tìm…