thuc-pham-sach (1)
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: K.D)

Các ý kiến tại hội thảo cho thấy, phần lớn cộng đồng doanh nghiệp sản xuất hiện nay đã ý thức được làm sao phải có sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Việt Nam đã có khá nhiều sản phẩm được xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm khá cao của Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc…Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn còn nhiều vấn đề, làm cho người tiêu dùng bức xúc, lo lắng trước các hiện tượng thực phẩm chưa được an toàn. Do đó, cần có sự nỗ lực hơn nữa để người tiêu dùng đúng là được hưởng quyền được an toàn.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, cách tiêu dùng hiện nay sẽ khiến giá thực phẩm đắt đỏ hơn, bởi chi phí cho các khâu trung gian rất nhiều. Nếu phát triển theo xu hướng hiện đại, phát triển các cửa hàng tiện ích thay thế các chợ truyền thống thì người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, an toàn; đồng thời, nhà nước cũng có nguồn thu cho ngân sách. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn nhờ giá không cao, được bình ổn bởi khi đó khâu trung gian ít đi, doanh nghiệp thu lãi trên số lượng sản phẩm thay vì lãi trên một đơn vị sản phẩm.

Để làm được điều trên, theo ông Tường, Nhà nước cần tạo môi trường, có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các hình thức tiêu dùng hiện đại, phát triển các cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, cùng với đó doanh nghiệp cũng cần phải vào cuộc ngay vì lợi ích của cộng đồng, của chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đầu mối mang tính chất then chốt, quyết định thúc đẩy xu hướng tiêu dùng hiện đại. Khi đã có sản phẩm an toàn, có nguồn gốc nhãn mác, cung cấp đầy đủ thông tin, chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm đó thay cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc – ông Tạ Văn Tường khẳng định.

img_2324-19_43_31_247
Thực phẩm sạch được xem là xu hướng tiêu dùng hiện tại (Ảnh: K.D)

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang khá phổ biến. Để giúp người dân nhận biết được sản phẩm an toàn và trở thành người mua thông thái là một vấn đề khó bởi người tiêu dùng không phải là nhà chuyên môn và đại đa số người tiêu dùng chỉ từ cảm quan để biết như thế nào là sản phẩm sạch hay không. Tuy nhiên, theo bà Loan bản thân người tiêu dùng vẫn có thể tránh được một cách tối đa những sản phẩm không an toàn đó là hướng đến những thương hiệu, không chỉ thương hiệu của các sản phẩm mà còn là thương hiệu của các nhà bán lẻ.

Ngoài ra, theo bà Loan người tiêu dùng cần quan tâm đến thời hạn sử dụng, các chỉ tiêu dinh dưỡng và chỉ tiêu liên quan đến VSATTP ghi trên nhãn hàng. Đặc biệt là sử dụng quyền của người tiêu dùng. Còn các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Đồng thời không sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Tuân thủ các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra được sản phẩm đảm bảo VSATTP có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng ngày càng cao độ an toàn cho người tiêu dùng.

Về phía quản lý nhà nước, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong vấn đề quản lý VSATTP nhưng bà Loan cho rằng vẫn còn chồng chéo, lãng phí nguồn lực và kém hiệu quả, khi có hiện tượng xảy ra (vấn đề do nhiều phía nguyên nhân khách quan, chủ quan) mà không có người đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp, đặc biệt là sự nhanh chóng phản hồi, xử lý vụ việc. Vì vậy, cần phải rà soát lại văn bản, khung pháp lý về VSATTP để phù hợp với các quy định, các xu hướng của quốc tế về VSATTP, có khung pháp luật, qui định, chính sách tốt hơn. Và quan trọng là cần để những chính sách, quy định pháp luật này đi vào cuộc sống.

K.D